Cao Bằng là tỉnh miền núi Đông Bắc,ờởCaoBằscb ngân hàng phía tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía đông bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc theo đường biên giới dài 333 km. Địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp tạo ra cho Cao Bằng nhiều điểm du lịch đẹp.
Hành trình hai ngày ở Cao Bằng do Thanh Tín và nhóm bạn từ TP HCM thực hiện hồi tháng 9. Tính cùng bạn tự lên kế hoạch, theo gợi ý từ anh Nguyễn Đức Thịnh, giám đốc một công ty du lịch Cao Bằng, với các điểm đến tiêu biểu và thuận tiện đi lại.
Ngày 1
Buổi sáng
Nhóm ăn sáng đơn giản với món xôi trám đặc trưng địa phương, 10.000 đồng một người. Sau đó, Tính chọn thuê xe máy để di chuyển đến các điểm tham quan vì thành viên trong nhóm đều là các nam thanh niên sức khỏe tốt. Một xe có giá thuê 150.000 đồng một ngày. Tuy nhiên, du khách nếu đi ôtô cũng không gặp khó khăn nào.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình là làng hương Phia Thắp, cách trung tâm thành phố tầm 35 km, trên đường đến huyện Trùng Khánh. Từ QL3, đi thẳng, du khách sẽ thấy một ngôi làng nằm bên phải đường, dưới chân núi Phà Hùng (núi To) ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Làng Phia Thắp yên bình, đậm nét văn hóa truyền thống. Đây là một trong những điểm du lịch cộng đồng "xứng đáng ghé thăm" ở vùng Đông Bắc.
Dân trong làng thức dậy hằng ngày từ khi trời chưa sáng rõ, lên rừng chặt tre về chẻ rồi vót thành từng que nhỏ và tròn đều. Người thì đi hái lá cây bầu hắt về phơi khô, tán nhỏ để làm chất keo kết dính, có người đi gom vỏ cây nghiến đỏ, cây mạy khảo hay mùn cưa để làm bột hương, tìm gỗ thông mục nghiền nát thành bột để tạo màu. Sau cùng, họ nhúng que hương vào chất keo dính, rồi lăn qua hỗn hợp mùn cưa và trầm bốn lần.
Rời làng, cả nhóm đến thẳng điểm tham quan chính của hành trình là thác Bản Giốc, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 90 km, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, sát biên giới Việt - Trung. Đây là nơi hầu như không du khách nào bỏ qua trong chuyến đi Cao Bằng. Nhóm có mặt lúc hơn 11h.
"Do việc xả nước hằng ngày từ thượng nguồn diễn ra từ 10h30 đến 13h nên khi đó dòng chảy của thác mạnh hơn. Tôi được gợi ý nên đến vào khung giờ này. Tháng 9 trở đi bắt đầu mùa mưa nên thác đầy nước, khung cảnh tràn đầy sức sống", Tính cho hay.
Thời điểm Tính đến chưa có tour cho phép du khách Việt Nam sang Trung Quốc tham quan nên anh chỉ chụp ảnh, đi thuyền ở phần thác phía Việt Nam trong gần 2 tiếng. Vé vào cửa khu du lịch là 40.000 đồng một người. Thuê thuyền ra gần thác là 50.000 đồng một người.
Từ 15/9, nếu đăng ký trước với các công ty du lịch (từ 1 đến 3 ngày), du khách có thể tham quan thác Bản Giốc - Đức Thiên trong thời gian 5 tiếng, sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Nếu đi tour này, du khách sẽ phải dành trọn vẹn một buổi ở đây.
>> Xem thêm: Năm giờ thưởng ngoạn thác Bản Giốc và Đức Thiên
Cách thác Bản Giốc tầm 700 m là chùa Phật Tích Trúc Lâm. Chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn. Đường lên khúc khuỷu, quanh co. Muốn lên đến chùa bạn nên mang giày thể thao hoặc giày bệt. Từ khuôn viên chùa du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng những dòng nước trắng xóa của thác Bản Giốc.
Một lựa chọn khác gần Bản Giốc là động Ngườm Ngao, cách thác khoảng 3 km. Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là "hang hổ". Tương truyền rằng, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống, chúng thường vào các bản xung quanh bắt gia súc.
Tới Ngườm Ngao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của hệ thống thạch nhũ và măng đá. Hang động này được xếp vào hàng đẹp nhất Việt Nam. Đường tham quan trong động dài khoảng 2 km, vào bằng cửa Ngườm Lồm và ra bằng cửa Ngườm Ngao.
Buổi trưa và chiều
Rời khu vực thác, nhóm của Tính đến thị trấn Trùng Khánh, dùng bữa trưa là phở với giá 50.000 đồng một tô và nghỉ ngơi.
Hồ Bản Viết là điểm đến tiếp theo đầu giờ chiều. Hồ cách thác Bản Giốc 18 km, thuộc xã Phong Châu. Đây là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, nằm giữa núi rừng. Tính đến đây vào buổi chiều, nhưng gợi ý du khách nên sắp xếp thời gian và lịch trình vào sáng sớm để đỡ mệt, sau khi đã có một ngày di chuyển nhiều. Đường đến hồ khá gồ ghề. "Hồ đẹp nhất vào tầm cuối tháng 10 vì lúc này nhiều lá cây chuyển sang màu đỏ", Tính dẫn lời người địa phương.
Quay trở lại thành phố vào buổi chiều, Tính đặt chỗ ở tại Cao Bang Eco Homestay, cách trung tâm thành phố khoảng 1,5 km, giá phòng cho hai người là 400.000 đồng. Nơi này có các phòng riêng và phòng tập thể (ở được tối đa 8 người). "Đây là homestay bình dân, ngoài ra còn có nhiều khu lưu trú tiện nghi hơn như các khách sạn 2-3 sao", Tính cho hay.
Một số homestay và khách sạn gợi ý: Khách sạn Mường Thanh Luxury, Minh Anh Hotel, Highlands Hotel Cao Bằng, Tường Vân Legends Hotel, Mina Homestay, giá từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một đêm.
Bữa tối, Tính thử món chân cánh gà nướng quán Hồ Điệp ở gầm cầu Bằng Giang, trung tâm thành phố Cao Bằng. "Từng chiếc chân, cánh to bản, dày được tẩm ướp vàng ruộm sau đó nướng trên than đã làm nên món ăn không nơi nào có được", Tính nhận xét.
Ngoài chân cánh gà nướng, các món ăn khác tại thành phố mà du khách có thể lựa chọn gồm bánh cuốn Cao Bằng (16 Hiến Giang), vịt quay 7 vị Dũng Liên (Quốc lộ 3 cũ, Đề Thám). Các món ăn vặt gồm hạt dẻ, bánh trứng kiến.
Ngày 2
Buổi sáng và trưa
Bữa sáng của nhóm ngày thứ hai là phở chua, đậm đà vị thịt ba chỉ rán, vịt quay, nước sốt chua ngọt, bánh phở dẻo thơm có chút giòn rụm của sợi khoai lang chiên giòn. Gợi ý: Phở chua Quyên trên phố Lý Thường Kiệt.
Sau đó, mọi người di chuyển tới Pác Bó, khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km.
Từ năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại đây, trong hang Cốc Bó, đặt tên dòng suối trước cửa hang là "Lenin" và ngọn núi có hang là "Các Mác". Suối Lenin là đầu nguồn sông Bằng, chảy qua thành phố Cao Bằng rồi qua Tà Lùng sang Trung Quốc. Du khách có thể đi bộ từ ngoài cửa vào trung tâm khu du lịch để thảnh thơi thưởng ngoạn quang cảnh nơi đây.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, suối Lenin có cảnh quan đẹp, đặc điểm nổi bật là nước trong và xanh, có thể nhìn thấy đáy. Nếu không đến đây vào ngày lễ Tết, bạn sẽ được tận hưởng không gian yên bình, vắng vẻ và thư giãn tuyệt đối. "Nơi này như Cửu Trại Câu mini. Hơi tiếc hôm tôi tới nơi thì trời mưa nên không chụp được nhiều ảnh", Tính cho biết.
Bữa trưa ở khu du lịch có nhiều món địa phương. Tính khuyên du khách ăn ngay tại đây với cơm lam, bánh cuốn, thịt gác bếp chẩm chéo và chanh, xôi trám đen.
Buổi chiều
Từ Pác Bó, di chuyển theo đường DT210, Tính đến hồ Thang Hen và núi Thủng, thuộc xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa. Nếu đi từ hướng trung tâm thành phố, du khách di chuyển theo hướng QL3 chừng 28 km, sau đó rẽ trái đi thẳng vào khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen. Từ đây du khách di chuyển tầm 4 km đường đèo để đến hồ. Điểm đến này cũng có thể ghé qua khi du khách di chuyển từ thác Bản Giốc về, theo QL3 khoảng 60 km rồi rẽ phải vào DT205.
Vẻ đẹp như tranh vẽ của hồ Thang Hen hiện ra mê hoặc hai chàng trai Sài thành. Những đám mây đen bao quanh ngọn núi khi trời chuyển mưa làm cho khung cảnh thêm phần bí ẩn.
Sau đó cả hai đến núi Thủng, hay còn gọi là núi Mắt Thần, cách hồ khoảng 12 km. Ngọn núi được mệnh danh là "tuyệt tình cốc" thuộc huyện Trà Lĩnh. Cảnh sắc nơi này đẹp mê mẩn vì xen kẽ núi đá trập trùng là những thảm cỏ xanh mướt. Tính cùng bạn cùng ngắm mãi ánh sáng cuối ngày xuyên qua lỗ thủng cho đến lúc trời chập choạng.
"Hãy lưu ý vì đường đến núi khá khó tìm, mùa mưa có thể bị lầy. Tới đây, phương tiện dễ đi nhất là xe máy", Tính cho hay. Dọc đường du khách sẽ đi ngang đèo Mã Phục, một trong những con đèo nổi tiếng và đẹp nhất Cao Bằng với những cung đường uốn lượn.
>> Xem thêm: Núi "mắt thần" ở Cao Bằng
Khoảng 18h Tính trở lại thành phố. Sau khi ăn tối với món vịt 7 vị chưa kịp thử ngày hôm trước, Tính và bạn lên xe khách về lại Hà Nội.
Tính cho hay, lịch trình trên có thể thay đổi điểm đến ở ngày thứ nhất và thứ hai sao cho linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và thực tế di chuyển. Ngoài ra do thời gian eo hẹp nên Tính chưa đến được một số nơi được gợi ý là rừng trúc Lũng Phán "đẹp như phim trường Thập diện mai phục" hay vườn hạt dẻ ở Trùng Khánh.
Khoảng thời gian đẹp nhất để tới Cao Bằng là tầm tháng 9 và 10 vì lúc này tiết trời vào thu, không khí trong lành, mát mẻ, nhưng đôi khi sẽ gặp mưa. Nếu đến Cao Bằng tháng 11-12, du khách sẽ được thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch và dã quỳ nở rộ, tuy nhiên khi đó trời bắt đầu lạnh. Tháng 3-4, du khách đến đây sẽ lạc vào những vườn mận, mơ sai quả.
Tâm Anh - Thanh Thu